Kỹ năng làm bài nghị luận xã hội trong bài thi lớp 10 đạt điểm cao
Trong kỳ thi vào lớp 10, nghị luận xã hội là một dạng bài quan trọng, đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức vững vàng về các vấn đề xã hội, khả năng tư duy phản biện và kỹ năng viết luận sắc bén. Để đạt được điểm cao trong bài thi này, đòi hỏi thí sinh phải nắm vững những kỹ năng làm bài cụ thể. Bài viết này của THPT Lê Hồng Phong sẽ hướng dẫn các em kỹ năng làm bài nghị luận xã hội đạt điểm cao trong bài thi lớp 10.
Nghị luận xã hội là gì?
Văn nghị luận xã hội là những bài văn bàn về xã hội, chính trị, đời sống nói chung. Do đó phạm vi của dạng bài này rất rộng. Nó bao gồm những vấn đề tư tưởng, đạo lí cho đến lối sống, bên cạnh đó một đề văn nghị luận xã hội đôi khi đề cập tới những câu chuyện nổi bật trong cuộc sống hằng ngày.
Hiểu đơn giản, văn nghị luận xã hội là dạng văn yêu cầu viết về vấn đề xã hội. Nó khác với nghị luận văn học ở chỗ, không viết về tác phẩm, nhà văn. Để viết văn nghị luận tốt, học sinh cần rèn luyện 2 kỹ năng: chứng minh và giải thích.
Dấu hiệu nhận biết câu nghị luận xã hội trong các đề thi
Trong các đề thi, vị trí của câu nghị luận xã hội thường phụ thuộc vào cấu trúc đề thi của từng tỉnh/thành phố. Thông thường, đề thi được chia thành hai phần chính là phần đọc hiểu văn bản và phần tập làm văn. Câu nghị luận xã hội có thể xuất hiện trong phần đọc hiểu văn bản với yêu cầu đi kèm, hoặc nó có thể là một phần riêng biệt không liên quan đến phần đọc hiểu.
Kỹ năng nhận biết vị trí của câu nghị luận xã hội là rất quan trọng vì nó giúp học sinh làm bài đúng yêu cầu của đề thi, tránh sai sót dẫn đến mất điểm không đáng có đối với dạng bài này, vì trọng số điểm của nó thường khá cao.
Các dạng bài nghị luận xã hội thường gặp trong đề thi vào 10
Theo yêu cầu của từng đề thi về hình thức và tiêu chí, các dạng bài nghị luận xã hội sẽ khác nhau. Đó có thể là bài văn nghị luận xã hội, trong đó học sinh cần phát triển thành một bài văn hoàn chỉnh gồm ba phần: mở bài, thân bài và kết bài. Phần thân bài cần được chia thành các đoạn văn nhỏ để trình bày các luận điểm một cách rõ ràng. Hoặc đề có thể yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội, trong đó vẫn phải tuân thủ cấu trúc ba phần với các luận điểm được đề cập một cách rõ ràng.
Đặc biệt, lưu ý rằng đối với dạng bài nghị luận xã hội, các em chỉ nên viết ngắn gọn trên một mặt giấy thi hoặc trong khoảng 12-15 câu. Điều này sẽ giúp các em thực hiện đúng yêu cầu của đề thi và phân bổ thời gian một cách hợp lý để hoàn thành các phần khác trong đề thi.
Với các yêu cầu về nội dung, các dạng bài nghị luận xã hội có thể là nghị luận về một tư tưởng đạo lý, nghị luận về một hiện tượng đời sống, hoặc nghị luận về một vấn đề xã hội từ một tác phẩm văn học. Việc xác định và phân loại đúng dạng bài văn nghị luận xã hội là rất quan trọng để có thể làm bài một cách phù hợp và đạt điểm cao nhất theo yêu cầu của đề thi.
Các bước làm bài văn nghị luận xã hội
Để làm tốt các bài văn nghị luận xã hội, các em học sinh nên tuân thủ các bước và lưu ý sau đây:
1. Bước thứ nhất: Đọc và tìm hiểu đề
Trong đó các em học sinh cần xác định vấn đề nghị luận. Đó có thể là các vấn đề được nêu lên trực tiếp trong đề bài hoặc nên gián tiếp thông qua một lời nhận định như: câu danh ngôn, tục ngữ. Do vậy chúng ta phải đọc và tìm hiểu ý nghĩa của nhận định đó để rút ra vấn đề cần bàn luận.
Bên cạnh đó, vấn đề nghị luận có thể được nêu ra dưới dạng câu chuyện ngắn nên khi đọc đề học sinh cần phải đọc kĩ và chú ý đến các từ khóa để xác định đúng vấn đề, tránh bị nhầm lẫn, sai đề. Sau khi tìm hiểu đề thì cần xác định phạm vi nghị luận.
2. Bước thứ 2: Lập dàn ý
Với thời lượng làm bài thi gấp rút và có hạn, lưu ý ngay sau khi đọc và tìm hiểu đề, các em học sinh cần định hình những ý lớn, ý quan trọng, trình tự sắp xếp các ý đó ra sao và gạch nhanh các ý đó ra nháp để bám vào đó triển khai bài viết mạch lạc, đủ ý khi viết bài.
3. Bước 3: Viết bài
Dựa vào dàn ý được lập ở trên, học sinh có thể dễ dàng triển khai cho từng luận điểm mà không sợ sót hay thiếu những ý quan trọng. Đặc biệt, học sinh chú ý khi làm bài, mỗi luận điểm cần được viết thành một đoạn văn để bài văn nhìn hệ thống hơn và người chấm hay người đọc có thể nhanh chóng nhận ra từng luận điểm.
4. Bước 4: Đọc và sửa chữa
Sau khi viết xong bài, học sinh cần đọc lại để xem mình còn bỏ sót luận điểm nào không hay có mắc lỗi chính tả, ngữ pháp không, tránh mất điểm vì những lí do đáng tiếc. Do đó, khi bắt đầu làm một bài văn nghị luận, học sinh cần phân bố thời gian hợp lí cho từng phần để có thể đạt điểm tuyệt đối với dạng bài tập này.
Để làm tốt phần nghị luận xã hội, các em cần có vốn kiến thức xã hội phong phú, hiểu biết về thực tế cuộc sống và cả những sự việc từng diễn ra trong lịch sử. Muốn có được điều này thì các em nên dành thời gian đọc sách, báo… để tích lũy thông tin. Đồng thời, các em cũng cần có suy ngẫm và quan điểm riêng khi bàn luận về một vấn đề. Lưu ý quan trọng tiếp theo là dẫn chứng phải chính xác, tiêu biểu và toàn diện.
Cấu trúc chuẩn của bài nghị luận xã hội đạt điểm cao
* Mở bài: Giới thiệu sự việc, hiện tượng: dẫn dắt, nêu sự việc, hiện tượng (thường dẫn dắt từ khái quát đến cụ thể. Nếu đề có lời dẫn thì lấy từ trong đề).
* Thân bài:
– Giải thích từ ngữ, khái niệm (nghĩa đen, nghĩa bóng- nếu có) (trả lời câu hỏi: là gì?)
– Thực trạng (biểu hiện) ( trả lời câu hỏi như thế nào?): bàn từng phương diện, theo mức độ tăng dần.
+ Xuất hiện ở đâu? Thời gian nào?
+ Mức độ, phạm vi diễn ra như thế nào?
+ Dẫn chứng, số liệu: đúng đắn, tiêu biểu, chính xác, có cơ sở khoa học
Nguyên nhân (trả lời câu hỏi: vì sao):
+ Nguyên nhân khách quan
+ Nguyên nhân chủ quan
Tác động, ảnh hưởng: tác động trên những phạm vi nào? Đối với những đối tượng nào?
+ Tác động tích cực
+ Tác động tiêu cực
=> tác động đối với xã hội, đối với các nhân
– Bàn luận mở rộng, nâng cao (phản đề): trái với sự việc, hiện tượng đó là gì? Tác động nhiều chiều?
Giải pháp và nhận thức, hành động của bản thân (trả lời câu hỏi cần làm gì trước sự việc, hiện tượng đó):
+ Phát huy sự việc tích cực
+ Ngăn chặn sự việc tiêu cực
(Giải pháp chung: xã hội, nhà trường, gia đình
Giải pháp riêng của các nhân: từ suy nghĩ đến hành động- nhận thức về vấn đề như thế nào? Cần phải làm gì?.)
* Kết bài: Khẳng định lại vấn đề nghị luận, gửi gắm thông điệp đến với mọi người
Cách viết đoạn văn nghị luận xã hội
Để viết đoạn văn nghị luận xã hội hay điều tiên quyết là các em học sinh cần phải lập dàn ý tổng hơp để có được khung sườn của bài viết cũng như trong quá trình viết tránh những trường hợp bị lặp ý, thiếu ý.
* Ví dụ: Từ đoạn trích, anh/chị hãy trình bày suy nghĩ về vai trò của vấn đề tự học bằng một đoạn văn.
Dàn ý:
– Dẫn dắt: Việc học luôn có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi người. Lựa chọn một phương pháp học hiệu quả là điều rất đáng quan tâm. Trong những phương pháp học tối ưu thì tự học luôn được xếp lên vị trí hàng đầu.
– Giải thích: Tự học là tự mình chủ động tiếp cận tri thức. Tự học khác với học trên trường lớp, học có giáo viên hướng dẫn.
– Phân tích, chứng minh vai trò của tự học:
+ Khắc phục những hạn chế của hình thức học chính quy như: gò bó về thời gian, địa điểm, nội dung chương trình.
+ Với hình thức tự học, người học có thể chủ động trong việc lựa chọn thời gian, địa điểm và nội dung phù hợp.
+ Tính tích cực, chủ động của người học được phát huy tối đa. Nội dung học tập đa dạng hơn.
– Bình luận, mở rộng:
+ Tự học đóng vai trò vô cùng quan trọng, con người không thể tách rời tự học trong quá trình học tập của mình.
+ Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể xem thường việc học chính quy trên trường lớp nên kết hợp giữa tự học và học có hướng dẫn.
+ Muốn tự học hiệu quả, người học phải đặt ra cho bản thân những nguyên tắc nhất định.
+ Liên hệ bản thân
Lời kết
Trên đây là những chia sẻ của THPT Lê Hồng Phong về các kỹ năng làm bài nghị luận xã hội. Việc thành thạo kỹ năng làm bài nghị luận xã hội không chỉ giúp các em đạt điểm cao trong kỳ thi lớp 10 mà còn rèn luyện khả năng tư duy, bồi đắp vốn kiến thức về các vấn đề xã hội, hình thành nhân cách tốt đẹp và chuẩn bị hành trang vững chắc cho tương lai. Hãy không ngừng trau dồi, học hỏi và nắm bắt những cơ hội để tỏa sáng trong kỳ thi quan trọng này.