Kinh nghiệm ôn thi vào lớp 10 môn toán với cách làm điểm cao
Để đạt được kết quả tốt nhất đối với bài thi môn Toán trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, mỗi học sinh cần xây dựng cho mình chiến thuật ôn luyện và làm bài hợp lý. Đâu là những kinh nghiệm ôn thi vào lớp 10 môn Toán toàn diện và đầy đủ nhất là câu hỏi của không ít sĩ tử khi mùa thi cận kề. Đối với rất nhiều học sinh, Toán luôn là môn học “nỗi ám ảnh” với lượng kiến thức rộng lớn và vô vàn công thức khó nhớ.
Nhằm giúp các sĩ tử có thể khắc phục tình trạng này, trường THPT Lê Hồng Phong xin tổng hợp và chia sẻ những kinh nghiệm ôn thi hiệu quả để đạt điểm cao môn Toán trong kỳ thi chuyển cấp sắp tới. Cùng xem ngay nhé!
Chương trình ôn thi vào lớp 10 môn Toán
Trước khi bắt đầu quá trình ôn thi tuyển sinh lớp 10 môn Toán, bạn nên “nhặt” ra những kiến thức trọng tâm để xây dựng lộ trình rõ ràng cho bản thân. Điều này sẽ giúp bạn khoanh vùng được kiến thức trọng tâm theo từng chủ đề quan trọng.
- Ôn toán thi vào lớp 10 chuyên đề Đại số: Chiếm 70% khối lượng kiến thức trong đề thi
- Ôn thi Toán vào lớp 10 chuyên đề Hình học: Phần hình học chiếm 30% số lượng câu hỏi còn lại trong bài thi.
1. Phần Đại Số
Phần Đại số thường sẽ chiếm 70% khối lượng kiến thức trong đề thi, đặc biệt bao gồm câu 0,5 điểm (dạng bài toán nâng cao) để lấy điểm 10. Như vậy, nếu làm đúng toàn bộ các bài tự luận phần Đại số trong đề, các bạn học sinh sẽ đã được 7 điểm.
Kiến thức phần Đại số trong đề thi môn Toán vào lớp 10 sẽ phân bổ theo những chuyên về Hệ phương trình, Phương trình bậc hai, Giải bài toán bằng cách lập phương trình và hệ phương trình, Căn bậc hai, Hàm số và đồ thị, Bất đẳng thức – Bất phương trình – Cực trị đại số.
Khi ôn tập Đại số, các bạn học sinh nên hệ thống hoá kiến thức trọng tâm thành một đề cương ôn tập bao gồm tất cả công thức, lý thuyết và hình vẽ đồ thị hàm số cơ bản. Phương pháp này giúp học sinh có cái nhìn tổng quát về khối lượng kiến thức cần ghi nhớ từ đó đưa ra kế hoạch ôn tập hiệu quả. Đồng thời, các em cần chăm chỉ làm các bài tập từ cơ bản tới các bài nâng cao và tập giải đề thi vào lớp 10 của các năm trước.
2. Phần Hình Học
Phần Hình học sẽ chiếm 30% tỷ trọng bài thi, thường có từ 3 – 4 câu hỏi, tổng từ 3 – 3,5 điểm. Trong đó, phần nhận biết – thông hiểu là 1 điểm, phần vận dụng là 2 điểm và phần vận dụng cao chiếm 0,5 điểm. Một số tỉnh, thành phố sẽ thay câu hỏi vận dụng cao bằng câu hỏi về hình học không gian.
Những kiến thức quan trọng phần Hình học thường xuất hiện trong đề thi vào lớp 10 môn Toán xoay quanh chủ đề Tam giác đồng dạng, Tứ giác nội tiếp, Tiếp tuyến đường tròn, Quan hệ giữa các góc trong đường tròn và Hình học không gian. Các bạn học sinh nên đặc biệt lưu ý ôn tập những dạng bài toán này.
Kinh nghiệm ôn thi vào lớp 10 môn Toán phần Hình học dành cho các bạn học sinh là thuộc lòng các định lý, phương pháp chứng minh, luyện tập giải nhiều dạng bài thuộc các chuyên đề khác nhau để rèn luyện tư duy phân tích, nâng cao kỹ năng vận dụng kiến thức.
Cấu trúc đề thi vào lớp 10 môn Toán
Trước khi bước vào ôn thi vào lớp 10 môn Toán bạn cần nắm chắc cấu trúc đề thi để có thể ôn luyện một cách chuẩn xác nhất. Cấu trúc đề thi môn toán thực ra rất rõ ràng với các nội dung trọng tâm sau đây:
1. Bài 1: Thường chiếm 2 điểm
Nội dung kiến thức xoay quanh:
- Bài toán gồm 3 ý liên quan đến biểu thức chứa căn bậc hai
- Rút gọn biểu thức (chú ý điều kiện xác định)
- Tính giá trị biểu thức
- Giải phương trình, bất phương trình, tìm giá trị của x để thỏa mãn yêu cầu bài toán,… Nội dung này thuộc phần kiến thức nâng cao, thường chiếm khoảng 0,5 điểm
2. Bài 2: Giải bài toán bằng cách lập phương trình hoặc hệ phương trình, thường chiếm 2 điểm
Nội dung kiến thức xoay quanh:
- Các bài toán thực tế: Chuyển động, công việc, lãi suất,…
- Các bài có liên quan đến hình học: Ứng dụng thực tế của hệ thức lượng; hình học không gian…
- Các bài toán tích hợp liên môn: Liên quan đến phần Vật lý, Hóa học,…
Những năm gần đây, đề bài thường có 2 ý chính. Ý thứ nhất thuộc phần thông hiểu, buộc học sinh phải nắm vững kiến thức mới có thể giải quyết được. Ý thứ hai thuộc phần vận dụng thấp, không quá khó các bạn học sinh đọc kỹ đề và cẩn thận vận dụng được nội dung kiến thức trên.
3. Bài 3: Chiếm 2,5 điểm
Nội dung kiến thức xoay quanh:
- Giải hệ phương trình (quy về hệ phương trình bậc nhất hai ẩn, hai phương trình) hoặc giải phương trình (chứa căn, phương trình trùng phương)
- Bài toán về đường thẳng, hàm số bậc hai, phương trình bậc hai, đồ thị, hệ thức Vi-ét và ứng dụng
- Phần này thường có thêm một ý phân hóa ở mức độ vận dụng, thường chiếm khoảng 0,5 điểm
4. Bài 4: Bài tập hình học thường chiếm 3 điểm
Nội dung kiến thức xoay quanh:
- Chứng minh nhiều điểm cùng thuộc một đường tròn
- Chứng minh tứ giác nội tiếp
- Tính độ dài đoạn thẳng, tính góc, chứng minh hệ thức hình học và các biểu thức liên quan (thường dùng cả phần kiến thức về hệ thức lượng trong tam giác vuông và ứng dụng thực tế và tam giác đồng dạng)
- Tiếp tuyến của đường tròn và các bài toán liên quan đến tiếp tuyến
- Chứng minh ba đường thẳng đồng quy, hai đường thẳng song song, vuông góc, điểm thuộc đường thẳng cố định, bài toán quỹ tích, cực trị hình học,…
5. Bài 5: Phần nâng cao, thường chiếm 0,5 điểm, đây thường là câu khó nhất trong đề thi
Nội dụng thuộc một trong các phần sau:
- Chứng minh bất đẳng thức
- Tìm giá trị lớn nhất (GTLN), tìm giá trị nhỏ nhất (GTNN)
- Giải hệ phương trình, phương trình nâng cao,…
Bỏ túi kinh nghiệm ôn thi vào lớp 10 môn Toán
Để ôn thi vào lớp 10 môn Toán, có một số lưu ý và và kinh nghiệm dưới đây mà các bạn học sinh cần nắm rõ. Qua đó, các bạn có thể trang bị cho mình một lịch trình ôn tập phù hợp với bản thân để đạt được những kết quả nhất định trong kỳ thi này.
1. Tìm hiểu cấu trúc đề thi, nắm được các dạng bài thường gặp
Thay vì ôn một cách tràn lan, nắm được cấu trúc đề thi giúp các bạn học sinh biết được mình cần tập trung vào những kiến thức nào là trọng tâm và cần thiết.
2. Khoanh vùng các kiến thức trọng tâm
Trước tiên các bạn cần xác định rõ các phần trọng tâm và hệ thống kiến thức theo từng chuyên đề để việc ôn luyện thuận tiện và hiệu quả hơn. Việc khoanh vùng kiến thức giúp các bạn ôn tập đúng cách, tránh tình trạng học lan man và lãng phí thời gian ôn luyện nhưng không đạt hiệu quả.
Đối với mỗi dạng bài, các bạn nên học thuộc lý thuyết và ghi lại các công thức quan trọng để hiểu bài và áp dụng vào giải bài tập cụ thể để rèn kỹ năng. Các bạn học sinh có thể chia nhỏ kiến thức trọng tâm theo từng chuyên đề để tích lũy dần và học theo kiểu cuốn chiếu, học xong chuyên đề nào thì phải đảm bảo nắm chắc kiến thức của chuyên đề ấy và vận dụng tốt vào việc làm các dạng bài tập.
3. Đặt ra mục tiêu khi ôn luyện
Mục tiêu về điểm số: Đây là điều cần thiết để các bạn học sinh xác định được đúng năng lực cũng như khả năng bứt phá của mình trong quá trình ôn luyện. Việc thiếu mục tiêu khiến các bạn dễ sa đà vào tâm lý ôm đồm nhiều kiến thức nhưng chung quy lại không thực sự nắm vững kiến thức nào.
Mục tiêu về lộ trình ôn tập: Các bạn học sinh nên xây dựng cho mình lộ trình ôn tập khoa học, bố trí thời gian phù hợp giữa tổng ôn – luyện đề – tổng ôn. Giai đoạn tổng ôn là thời gian học sinh ôn tập những kiến thức theo chuyên đề, từng dạng đề.
Sau đó các bạn cần liên tục luyện đề để làm quen với cấu trúc đề và thời gian làm đề. Cuối cùng, học sinh cần ôn tập một lần nữa những kiến thức, đặc biệt là những chuyên đề kiến thức thường xuất hiện trong đề thi hoặc bản thân còn yếu sau khi luyện đề.
4. Tự đánh giá năng lực thực tế
phần kiến thức chưa hiểu rõ, cần củng cố lại lý thuyết và tìm bài tập phần đó để luyện tập thêm.
Để có thể tự đánh giá năng lực hiện tại, các bạn có thể dựa vào cấu trúc đề thi, xem đạt được bao nhiêu điểm, nghiên cứu kỹ từng dạng đề, từng bài đã làm để xem bản thân đã chắc kiến thức phần nào, phần nào còn nhiều sai sót, dạng nào mình chưa ổn và luyện đề thêm,… từ đó cải thiện dần.
5. Lựa chọn các phương pháp học tập và ôn luyện
Các bạn nên tìm một giải pháp ôn tập toàn diện các môn thi, kết hợp song song giữa việc ôn tập và luyện đề, để vừa nắm chắc kiến thức, thành thạo các kỹ năng năng làm bài, vừa kịp thời bổ sung các phần kiến thức còn thiếu và yếu.
Các bạn có thể học trên thường, ôn luyện thêm tại các trung tâm ngoài, học gia sư, học nhóm cùng bạn bè hay học online đều được. Nhìn chung, mỗi hình thức đều sẽ có những ưu điểm và nhược điểm đi kèm, vì thế các bạn học sinh cần linh hoạt kết hợp các hình thức để đạt hiệu quả ôn tập cao nhất khi ôn luyện môn Toán để thi vào lớp 10.
6. Tập trung ôn luyện cao độ
Tập trung là yếu tố mang tính quyết định đối với mọi hoạt động học tập hay ghi nhớ. Các bạn học sinh cần rèn luyện thói quen tập trung bằng cách xác định được việc gì là quan trọng tại mỗi mốc thời gian và không cho phép bản thân xao nhãng. Một khi bố trí thời gian hợp lý thì cần tập trung vào việc học với một thái độ nghiêm túc, kỷ luật và khắt khe với chính mình để đạt được những hiệu quả nhất định trong học và ôn thi.
7. Tham gia các kỳ thi thử
Các kỳ thi thử vô cùng cần thiết với quá trình ôn luyện môn Toán vào lớp 10, bởi qua đó, các bạn sẽ có thể đánh giá lại được năng lực thực sự của bản thân và có các định hướng ôn tập, cải thiện kiến thức phù hợp.
Ngoài ra, các bài thi thử còn giúp các bạn thí sinh sẽ có thể làm quen với độ khó của đề thi và áp lực phòng thi, hơn hết là qua các lần thi có thể tăng thêm tốc độ và kỹ năng làm bài. Bên cạnh đó, từ các lỗi sai, các bạn có thể rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu cho lần thi chính thức.
Chiến lược vàng khi làm thi môn Toán đạt điểm cao
Ngoài việc tập trung vào ôn thi vào lớp 10 môn Toán bạn cần biết được một vài chiến lược trong quá trình làm bài để vừa có thể tối ưu thời gian, vừa làm bài hiệu quả nhất. Chiến lược mà trường THPT Lê Hồng Phong chia sẻ với các sĩ đó đó chính là “Lấy điểm tuyệt đối các câu dễ – Các câu khó làm cuối cùng”
Trong đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn toán, câu hỏi đứng đầu thông thường là các câu hỏi đơn giản và quen thuộc. Nhìn chung, các câu hỏi này có xu hướng nhẹ nhàng và không mang tính hóc búa cho thí sinh. Vì vậy, tất cả những gì bạn phải làm là củng cố kiến thức trong năm qua và dành nhiều thời gian hơn để luyện tập thêm các bài tập.
Những câu hỏi khó thường chiếm khoảng 0.5-1đ trong đề thi. Phần này các bạn nên làm cuối cùng sau khi đã hoàn thành hết phần câu hỏi dễ có thể ăn điểm. Kiến thức trong câu hỏi khó này cũng chỉ xoay quanh các bài học quen thuộc, vì vậy một phân tích bình tĩnh sẽ giúp bạn tìm ra hướng đi hữu ích trong quá trình giải bài toán.
Những sai lầm cần tránh khi làm bài thi vào lớp 10
Song song với việc hệ thống kiến thức theo chuyên đề, học sinh cũng cần tránh 6 sai lầm căn bản dưới đây trong quá trình ôn tập để không bị mất điểm đáng tiếc khi làm bài thi chính thức. Cụ thể các sai lầm cần tránh bao gồm:
- Đọc sai đề bài hoặc đọc thiếu đề bài.
- Vẽ sai hình hoặc vẽ hình bằng màu mực khác với mực viết (trừ đường tròn được vẽ bằng bút chì).
- Thiếu điều kiện, không loại nghiệm.
- Tính toán sai.
- Nhớ nhầm công thức, định lí.
- Trình bày bài quá vắn tắt dẫn đến mất điểm ở một số bước, thiếu kết luận.
Lời kết
Ngoài việc ôn thi vào lớp 10 môn Toán thật kỹ lưỡng, các sĩ tử cần chuẩn bị đầy đủ trang phục, đồ dùng học tập, giấy tờ tuỳ thân từ tối hôm trước. Các em nên đi ngủ sớm, đặt đồng hồ báo thức để dậy đúng giờ, tốt nhất nên đến sớm trước giờ quy định 15 phút để tạo tâm lý ổn định khi bước vào phòng thi.
Trên đây là những kinh nghiệm và bí kíp ôn luyện môn Toán vào lớp 10 mà trường cấp 3 Lê Hồng Phong chia sẻ vô cùng hiệu quả mà các thí sinh nên biết. Cảm ơn bạn đọc đã quan tâm và theo dõi bài viết của chúng tôi.