Bạo lực học đường: Nguyên nhân, hậu quả và cách phòng tránh

26/09/2023 - admin

Những năm gần đây, bạo lực học đường ở Việt Nam thu hút được nhiều sự quan tâm của xã hội bởi sự gia tăng về số vụ, sự phức tạp hơn về các hình thức biểu hiện. Môi trường giáo dục là nền tảng để con người hoàn thiện nhân cách và phát triển tri thức, vậy tại sao tình trạng đó lại xảy ra. Nguyên nhân dẫn đến những sự gây gổ đó là gì? Hậu quả nhận lại ra sao? Cùng trường cấp 3 Lê Hồng Phong giải đáp các thắc mắc xoay quanh bạo lực học đường qua bài viết dưới đây nhé!

bạo lực học đường

Bạo lực học đường là gì?

Bạo lực học đường đề cập đến bất cứ điều gì có liên quan đến một mối đe dọa thực sự hoặc mối đe dọa “ngầm” diễn ra trong môi trường trường học. Nó có thể là bằng lời nói, hành động xâm hại thể chất, tình dục và được thực hiện có hoặc không có vũ khí đi kèm.

Bạo lực có thể diễn ra trong khuôn viên trường học, trên đường từ nhà đến trường hoặc tại các chuyến đi và sự kiện mà nhà trường tổ chức. Tình trạng này có thể do học sinh, giáo viên hoặc các thành phần khác của nhân viên nhà trường thực hiện. Tuy nhiên bạo lực giữa các bạn học sinh vẫn là thực trạng phổ biến hơn cả.

Số liệu thống kê ước tính, có khoảng 246 triệu trẻ em trên toàn thế giới bị bạo lực học đường mỗi năm. Cũng theo ước tính của WHO thì mỗi ngày có đến khoảng 565 đứa trẻ hoặc các thanh thiếu niên tìm cách tự sát vì không thể chịu nổi cảnh bị bạo hành học đường. Cùng với đó là các vụ chấn thương phải nhập viện mỗi ngày vì lý do trên cũng đang tăng lên.

Các hình thức bạo lực học đường

Có nhiều hình thức bạo lực học đường xảy ra ở các nhóm đối tượng học sinh khác nhau, một số loại bạo lực học đường thường xảy ra như: Bạo lực về thể chất là hành vi dễ nhận thấy như đánh đập, bứt tóc, xô đẩy, xé quần áo, đổ đồ ăn lên người, trấn lột cướp đồ giữa học sinh với nhau.

Bạo lực bằng lời nói là việc sử dụng những hành vi hoặc lời nói gây xúc phạm, gán ghép hoặc bôi nhọ, sỉ nhục, chế nhạo hoặc bắt người khác làm theo ý mình. Ngoài ra, còn có bạo lực tâm lý, bạo lực xã hội, bạo lực điện tử…

Thực trạng bạo lực học đường tại Việt Nam hiện nay

Tại Việt Nam, tình trạng bạo lực học đường cũng đang rất phổ biến và có diễn biến ngày càng phức tạp. Mỗi ngày đều có những vụ ẩu đả và đánh nhau ngay trong khuôn viên trường học hoặc trước cổng trường. Ngoài ra còn có những bài đăng của các bạn học sinh xúc phạm, chửi bới và uy hiếp nhau trên mạng xã hội.

Số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra rằng, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau. Cứ 11.000 học sinh sẽ có một em bị đình chỉ học tập do đánh nhau. Trong những năm gần đây, con số này đang không ngừng gia tăng, gây “nhức nhối” đối với dư luận.

Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm cho biết, trong giai đoạn 2013 – 2015 có rất nhiều học sinh, sinh viên bị xử lý hình sự. Vấn đề đáng chú ý là tình trạng đối tượng phạm tội đang ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Hơn nữa mức độ phạm tội cũng như hành vi bạo lực ngày càng đa dạng hóa và nghiêm trọng hơn.

Đặc biệt, từ những năm 2020 – 2022, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, học sinh phải ở nhà học trực tuyến quá lâu để phòng dịch bệnh nên tâm lý cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Do vậy khi quay trở lại trường học, vấn đề bạo lực học đường càng trở nên nhức nhối hơn. Rất nhiều video học sinh ẩu đả lẫn nhau xuất hiện trên mạng xã hội và gây xôn xao dư luận.

Đầu năm 2021, tại Thanh Hóa có một em học sinh sau khi tan học ra cổng trường bị đánh mạnh vào đầu gây vỡ sọ não và tổn thương cơ thể đến 49% trước sự chứng kiến của rất nhiều bạn học khác. Tháng 3/2021, tại Đắk Lắk cũng có một nam sinh lớp 10 bị bạn học đánh hội đồng trong nhà vệ sinh.

Tháng 9/2021, tại Yên Bái một nữ sinh bị đánh hội đồng sau lễ khai giảng trước sự reo hò cổ vũ của rất nhiều học sinh khác mà không ai can ngăn. Tháng 11/2021, tại Hà Tĩnh cũng có một nữ sinh mồ côi phải nhập viện vì bị đánh hội đồng do xích mích, mâu thuẫn trên mạng xã hội với bạn học cùng trường.

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện một video ghi lại cảnh nữ học sinh ở Hà Nội bị đánh hội đồng ngay trước cổng trường. Kẻ bạo hành đã giật tóc, đánh thẳng vào mặt và đầu nạn nhân trước sự chứng kiến của rất nhiều người trong những ngày đầu tiên quay lại trường học trực tiếp. Mấy ngày sau đó nữ sinh này vẫn chưa thể đến trường vì tinh thần hoảng loạn và tâm lý sợ đám đông.

Có thể thấy rằng, bạo lực học đường đang ngày càng trở thành một vấn đề “nhức nhối” đối với môi trường giáo dục. Nó không còn là vấn đề của riêng học sinh mà cần sự chung tay ngăn chặn của cả cộng đồng, đặc biệt là sự kết hợp đồng bộ của cả gia đình – nhà trường – xã hội.

Nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường từ chủ quan đến khách quan. Cụ thể:

1. Từ phía học sinh

Học sinh chủ yếu là những đối tượng từ 12 – 17 tuổi đang trong quá trình học tập và biến đổi về thể chất, mặt tâm sinh lý; trong giai đoạn này sẽ hình thành nên tính cách của con người. Đây cũng là giai đoạn mà đòi hỏi nhà trường và gia đình có các biện pháp bảo vệ trẻ từ các yếu tố độc hại bên ngoài bởi khi trong giai đoạn này các em sẽ là đối tượng mà các thế lực tiêu cực trong xã hội nhắm đến.

Trong giai đoạn này khi trẻ chịu sự tác động, kích thích từ các nhân tố độc hại và các đối tượng xấu trong xã hội, môi trường xung quanh của trẻ sẽ khiến các em học theo, hình thành lên tâm lý thích bắt nạt bạn bè, dẫn đến nhiều vụ bạo lực học đường tại nhà trường. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường ở Việt Nam.

2. Từ phía nhà trường

Nhà trường có nhiệm vụ chính là giáo dục và đào tạo giúp cung cấp kiến thức, kỹ năng, hình thành lên tính cách và thái độ của hình sinh, sinh viên; chính vì vậy khi nhà trường có chương trình đào đạo không hợp lý không phát huy được các điều kiện cần đáp ứng của một tổ chức giáo dục con người sẽ là một trong nguyên nhân chính dẫn đến xảy ra các mặt tiêu cực trong nhà trường.

Ngày nay giáo dục của nhà trường còn nặng về các kiến thức văn hóa, đôi khi lãng quên đi nhiệm vụ giáo dục con người “tiên học lễ, hậu học văn” chưa có nhiều sự kết hợp với giáo dục pháp luật, các chương trình thực tế đưa trẻ tham gia vào các hoạt động có ích cho xã hội.

Mặt khác cuộc sống thực dụng chạy theo đồng tiền của một phần trái của xã hội đã đẩy ngã những giá trị quan trọng của nhà trường, đạo đức của một bộ phận thầy cô giáo.

3. Từ phía gia đình

Nếu nhà trường đặc đánh giá là một thiết chế giáo dục con người ở vị trí thứ hai thì vị trí thứ nhất không phải thiết chế nào khác là của thiết chế gia đình. Trong môi trường gia đình là yếu tố trực tiếp quan trọng nhất tác động vào tâm lý hình thành lên các cư xử của trẻ giúp trẻ phân biệt được các điều có lợi và có hại khi thực hiện hành vi, biết lễ nghĩa kính trên nhường dưới, tôn trọng người nhiều tuổi hơn mình và giúp đỡ, che chở ngoài nhỏ tuổi, yếu thế hơn mình,…

Tuy nhiên hiện nay thay vì lựa chọn các hình thức giao dục nhẹ nhàng thì các bậc phụ huynh loại thường nặng lời quát tháo, thậm chí dùng tác động vật lý lên trẻ để giáo dục con cái cũng dễ dẫn đến những tình trạng bạo lực học đường.

Một yếu tố cần được quan tâm nữa đó là cùng với sự phát triển của xã hội, các bậc phụ huynh thường chạy đua theo các lợi ích của xã hội mà quên mất việc dành tình cảm đến con người; do ít được cha, mẹ quan tâm lên trẻ thường thiếu thốn tình cảm dẫn đến không hình thành hoàn chỉnh tính cách tích cực cho bản thân

Ngoài ra còn nhiều trường hợp phụ huynh bị stress trong công việc và trong cuộc sống và xả stress bằng bạo hành gia đình lên chính con cái của mình, hoặc bạo hành ngay trước mặt con trẻ những vụ bạo hành gia đình như này cũng không phải là chuyện hiếm gặp.

Chính những hành động như này của bố mẹ lại ảnh hưởng sâu sắc theo chiều hướng tiêu cực đến con cái. Đáng buồn hơn nữa tình trạng này ngày càng có xu hướng gia tăng trong một xã hội đang ngày càng phát triển hiện đại.

Cấp II và cấp III là giai đoạn học sinh hình thành nhân cách chỉ cần một tác động xấu từ gia đình và xã hội có thể gây nên tổn thương không thể chữa lành, hình thành những nhân cách không đúng về giá trị sống dẫn đến những vụ bạo lực học đường.

4. Từ phía xã hội

Ngoài những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường ở trên thì các yếu tố của xã hội cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng tác động trực tiếp gây ra tình trạng bạo lực học đường

Đây là những yếu tố chịu ảnh hưởng từ môi trường văn hóa bao lực như trong các bộ phim bạo lực cấm trẻ em dưới 18 tuổi, sách báo, game điện tử chứa nhiều hành vi bạo lực, đồ chơi mang tính bạo lực (kiếm, súng..),…

Đây đều là những yếu tố đang thu hút rất nhiều trẻ em tham gia, bởi nó đang được phát tán công khai trên các trang mạng xã hội, cửa hàng,…mà khi trẻ tiếp cận sẽ ảnh hưởng khá lớn đến quá trình hình thành tâm lý ở hiện tại và trong tương lai.

Biểu hiện của bạo lực học đường cha mẹ cần lưu tâm

Quan tâm đến con cái thường xuyên là điều vô cùng quan trọng mà bất kỳ bố mẹ nào cần nào. Những đứa trẻ bị bạo lực học đường thường sợ hãi và không dám kể với ba mẹ mình. Vì vậy, việc bố mẹ chú ý và phát hiện để ngăn chặn kịp thời là vô cùng quan trọng.

Biểu hiện của bạo lực học đường cha mẹ cần lưu tâm

1. Biểu hiện của trẻ là nạn nhân của bạo lực học đường

Thấu hiểu được nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường đã có thể giúp cha mẹ hướng dẫn con trẻ cách bảo vệ bản thân khỏi bạo lực học đường.

Tuy nhiên, sự thật là bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể trở thành nạn nhân của bạo lực học đường; và cha mẹ không thể theo dõi con trẻ trong thời gian đến trường. Điều đáng lo ngại chính là tại Việt Nam; đa số trẻ có xu hướng sợ hãi; không dám chia sẻ tình trạng của mình với cha mẹ cho đến khi quá trễ.

Do vậy, chính cha mẹ cũng cần tự chủ động quan sát trẻ để có thể kịp thời tìm thấy những dấu hiệu, hành vi bất thường của trẻ.

TRẺ BỊ BẮT NẠT trên trường học sẽ có biểu hiện của bạo lực học đường như:

  • Khó ngủ, mất ngủ thường xuyên.
  • Tập vở, vật dụng cá nhân bị mất hoặc bị phá hoại.
  • Có dấu hiệu giả bệnh nhằm không phải đến trường.
  • Thói quen ăn uống thay đổi như bỏ ăn hoặc ăn quá nhiều.
  • Gặp những vấn đề sức khỏe như rụng tóc, đau đầu, đau bụng thường xuyên.
  • Có các hành vị tự hại bản thân; tệ nhất là có suy nghĩ tự sát; hoặc có biểu hiện muốn tự tử.
  • Có những vết thương thể chất mà chính trẻ không thể giải thích được. Các vết trầy, bầm tím không thuộc các vị trí do bất cẩn gây ra.

2. Biểu hiện của trẻ là người bạo lực học đường

Bên cạnh việc bảo vệ để con không trở thành nạn nhân của bạo lực học đường; cha mẹ cũng cần quan sát các biểu hiện của trẻ khi nghi ngờ trẻ là người bạo lực học đường. Trong trường hợp bố mẹ có con là người bạo lực học đường; cần xem xét lại những nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường của trẻ; và có những hành động phù hợp để ngăn chặn trẻ tiếp tục hành vi này.

TRẺ LÀ NGƯỜI BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG sẽ có những biểu hiện như:

  • Trẻ ngày càng trở nên hung hăng.
  • Có bạn bè là người bạo lực học đường.
  • Thường xuyên bị đưa đến văn phòng kiểm điểm.
  • Không có trách nhiệm về các hành động của mình.
  • Dễ tham gia vào các mẫu thuẫn bằng thể xác hoặc lời nói.
  • Có xu hướng đổ lỗi cho người khác hoặc không thừa nhận lỗi sai của mình.
  • Có những vật dụng mới hoặc tiền mà không thể giải thích được lý do có được.

Hậu quả của bạo lực học đường

Bạo lực học đường gây ra những hậu quả nghiêm trọng không chỉ cho cá nhân các em học sinh, gia đình, trường học mà nó còn ảnh hưởng đến xã hội, cụ thể:

1. Ảnh hưởng đến bản thân học sinh

Gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt thể xác, nhẹ nhàng là những thương tích chân tay, mặt mũi. Đáng nói hơn khi không ít vụ bạo lực đã lấy đi sinh mạng của những học sinh vô tội để lại sự thiệt thòi, đau đớn không chỉ về mặt thể xác mà cả tinh thần cho học sinh và gia đình.

Những học sinh bị bạo lực, nhất là bạo lực về tinh thần, bạo lực ngôn ngữ thường cảm thấy bị tổn thương, tự ti, chán nản, lo âu, cô lập, suy sụp, mặc cảm… Sự sợ hãi hoặc nỗi ám ảnh. Thậm chí, tình trạng này có thể kéo dài suốt cuộc đời. Các em không dám ra ngoài chơi hoặc đến trường, không thể tập trung vào học hành. Và hầu hết các em đều khó chia sẻ với phụ huynh, thầy cô vì những áp lực từ sự đe doạ của bạo lực học đường.

Chính bản thân các em chỉ chứng kiến chứ không tham gia hành vi bạo lực cũng bị ảnh hưởng. Chứng kiến những hành vi bạo lực khiến các em cảm thấy e dè, sợ hãi, và nếu thấy những kẻ gây ra bạo lực không bị trừng trị thì những em chứng kiến cũng có thể hùa theo số đông, ủng hộ hành vi này, và có nhiều khả năng trở thành kẻ có hành vi bạo lực trong tương lai.

Những hậu quả mà bạo lực học đường gây ra kể cả thể xác hay tinh thần cũng đều trực tiếp ảnh hưởng đến công việc học tập cũng như tương lai của học sinh nếu không được can thiệp kịp thời.

Hậu quả tồi tệ hơn có thể khiến học sinh đó dừng việc học của mình, hoặc cũng có thể vì gây ra hành vi bạo lực mà học sinh phải nhận kỷ luật đình chỉ việc học. Từ đó, tương lai của các em bị ảnh hưởng một cách tiêu cực.

Đặc biệt, những đứa trẻ có hành vi bạo lực, lạm dụng quyền hành từ khi còn nhỏ, khi lớn lên có nguy cơ tiềm ẩn mắc phải những hành vi tội ác hay những tệ nạn nhiều hơn những đứa trẻ khác.

*Ảnh hưởng đến gia đình: Dù là gia đình học sinh bị bạo lực hay phụ huynh của học sinh gây ra hành vi bạo lực đều gặp phải không khí và cuộc sống gia đình bị xáo trộn, căng thẳng, lo lắng. Khó ai biết, mỗi ngày đi học, con em mình có bị xâm hại thân thể, tinh thần hay không; bất cứ lúc nào, ở đâu, học sinh cũng có thể đánh nhau. Nhiều gia đình phải chuyển trường cho con, chuyển nơi ở để cho con một môi trường “an toàn” hơn.

2. Ảnh hưởng đến nhà trường

Hành vi bạo lực không chỉ tác động xấu đến nạn nhân mà còn khiến những học sinh khác trở nên nặng nề, căng thẳng với nỗi sợ hãi, bất an luôn bao trùm. Mặc dù vậy, bạo hành học đường không chỉ được thể hiện ở ẩu đả, đánh nhau, mà nó cũng bao gồm cả sự bạo hành về mặt tinh thần. Một số học sinh còn bị tấn công về mặt tinh thần, gây ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của các em.

Ngoài ra, những hành vi bạo lực học đường của học sinh sẽ trở thành nỗi bất an của phụ huynh khi gửi con em mình đến trường, làm giảm đi sự tín nhiệm của phụ huynh tới nhà trường, làm mất đi ý nghĩa của môi trường giáo dục lạnh mạnh trong sáng.

3. Ảnh hưởng đến xã hội

Ảnh hưởng nghiêm trọng đến những nét văn hóa truyền thống trong học đường, những chuẩn mực đạo đức quý giá: Giờ đây có những học trò ngang nhiên cãi lại thầy, cô giáo, văng tục chửi bậy, thiếu tôn trọng thầy cô, đòi hỏi sự công bằng tự chủ ngang hàng không hợp lý. Con cái cãi lại bố mẹ vì những thói hư học được từ một bộ phận bạo lực.

Bạn bè đánh đấm, xảy ra khá thường xuyên. Mỗi ngày đều có những vụ ẩu đả, đánh nhau ngay trong khuôn viên trường học hay những bài đăng chửi bới xúc phạm và bôi nhọ danh dự nhân phẩm nhau trên mạng xã hội… Chính những hành động ấy đã càng làm lu mờ những nét văn hóa truyền thống của xã hội, thể hiện một sự suy đồi về mặt đạo đức và sự sai lệch về mặt hành vi một cách đáng báo động, làm mất trật tự xã hội.

Cách ngăn chặn bạo lực học đường hiệu quả

Như đã đề cập, bạo lực học đường đang là vấn đề rất “nhức nhối” hiện nay. Và làm sao để ngăn chặn vấn nạn này cũng đang là bài toán khó thách thức cả gia đình, nhà trường và toàn cộng đồng.

ngăn chặn bạo lực học đường

Dưới đây là một số giải pháp có thể giúp làm giảm tình trạng bạo lực học đường và góp phần tạo ra một môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn:

1. Áp dụng các biện pháp an ninh

Một cách phổ biến để hạn chế bạo lực trong trường học là thực hiện các biện pháp an ninh mạnh mẽ hơn. Chẳng hạn như lắp camera giám sát, hệ thống an ninh và bảo vệ khuôn viên trường học.

Camera giám sát có thể được đặt ở hành lang, lớp học và gần các khu vực cửa ra vào để cung cấp cho nhân viên của nhà trường khả năng giám sát những khuôn mặt lạ cũng như các tình huống nguy hiểm từ xa.

Cài đặt hệ thống an ninh để kiểm soát việc ra vào khuôn viên trường học. Nhân viên bảo vệ phải thực hiện việc tuần tra trường học, bãi xe và các khu vực chung khác. Đồng thời cần theo dõi các hành vi đáng ngờ và có thể can thiệp vào các học sinh có khả năng gây nguy hiểm cho bạn học trước khi chúng gây ra bất cứ tổn hại nào.

2. Thực hiện các biện pháp răn đe và khuyến khích

Một số biện pháp có thể giúp cải thiện an toàn trường học bao gồm:

Biện pháp răn đe: Những học sinh có hành vi bạo lực cần phải được trừng phạt và răn đe. Cần có văn bản xử lý kỷ luật thật rõ ràng với những học sinh có hành vi lệch chuẩn. Trường hợp cần thiết có thể cho thôi học tạm thời, thôi học vĩnh viễn hoặc nhờ đến sự giúp đỡ của pháp luật.

Thúc đẩy môi trường hòa nhập và an toàn: Cần nhấn mạnh cho học sinh biết rõ các kỳ vọng về giá trị tích cực trong nhà trường. Chẳng hạn như hòa nhập, giao tiếp và tôn trọng. Đối với giáo viên cần nêu rõ vai trò của giáo viên trong việc ngăn chặn bạo lực. Quy tắc ứng xử chính là yếu tố quan trọng định hướng hành vi của cả học sinh và nhân viên nhà trường trong môi trường giáo dục.

Khuyến khích và khen ngợi: Thay vì chỉ tập trung vào kỷ luật và hình phạt thì nhà trường cần nỗ lực hướng học sinh về phía tích cực. Cần khen ngợi các hành vi tốt và khuyến khích sự phát triển của học sinh hướng tới việc nhấn mạnh thái độ tích cực.

3. Nhận thức được yếu tố rủi ro cá nhân và yếu tố nguy cơ gia đình

Một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng khiến một đứa trẻ trở nên bạo lực. Việc nhận thức được các yếu tố này có thể giúp bạn nhận biết khi nào trẻ cần được hỗ trợ, hướng dẫn và trị liệu để ngăn chặn các hệ quả bạo lực. Yếu tố rủi ro cá nhân có thể bao gồm:

  • Từng là nạn nhân của bạo lực
  • Tiền sử có các hành vi hung hăng
  • Chỉ số IQ thấp
  • Kiểm soát hành vi kém
  • Gặp các vấn đề liên quan đến rượu hoặc chất kích thích
  • Tiếp xúc với bạo lực và xung đột trong gia đình

Bên cạnh yếu tố nguy cơ cá nhân thì các yếu tố nguy cơ của gia đình cũng cần được chú ý. Bởi chúng cũng có khả năng khiến trẻ trở nên bạo lực hơn. Nếu nhận ra các yếu tố nguy cơ này trong chính gia đình của mình thì bạn cần phải nỗ lực thay đổi chúng.

Trường hợp bạn nhận ra các yếu tố nguy cơ trong một gia đình khác thì cần hiểu rằng, trẻ ở trong gia đình đó có thể được hưởng lợi từ sự hỗ trợ. Các yếu tố nguy cơ từ gia đình có thể bao gồm:

  • Thái độ nuôi dạy trẻ rất độc đoán
  • Thực hành kỷ luật quá lỏng lẻo, khắc nghiệt hoặc rất mâu thuẫn
  • Trình độ học vấn và thu nhập của cha mẹ thấp
  • Cha mẹ lạm dụng chất kích thích hoặc là tội phạm

4. Hiểu được lý do của bạo lực học đường

Sẽ không bao giờ có được câu trả lời đơn giản hoặc rõ ràng cho lý do tại sao một học sinh lại trở nên bạo lực. Tuy nhiên hầu hết các hành động bạo lực của trẻ đều sẽ xảy ra bởi một hoặc nhiều lý do khác nhau. Việc hiểu rõ hơn những điều này bạn có thể dễ dàng ngăn chặn hành vi bạo lực của trẻ trước khi nó bắt đầu.

Trẻ thường thực hiện hành vi bạo lực vì những lý do sau đây:

  • Bày tỏ cảm xúc tức giận hoặc thất vọng.
  • Kiểm soát người khác.
  • Muốn trả đũa bạn học đã từng làm tổn thương chúng.

5. Giáo dục cho trẻ kỹ năng giải quyết vấn đề

Khi bạn nuôi dưỡng kỹ năng giải quyết vấn đề mạnh mẽ thì bạn sẽ cung cấp cho trẻ kỹ năng xử lý tình huống. Bạn hãy giúp trẻ đánh giá và xác định vấn đề (đồng thời động não tìm kiếm giải pháp) để khuyến khích và củng cố các kỹ năng giải quyết vấn đề. Từ đó hạn chế các hành vi bạo lực xảy ra ở trường học hay ở bất cứ môi trường nào khác.

Bạn có thể giúp con bằng cách:

  • Khi có bất cứ vấn đề nào xảy ra, bạn hãy giúp con xác định nó và nghĩ về những cách mà nó có thể được giải quyết.
  • Hãy thảo luận cởi mở về các chiến lược giải quyết vấn đề với con bạn. Ví dụ khi con bị điểm kém ở trường thì bạn đừng vội trách phạt con. Thay vào đó hãy nói chuyện với con về cách để nâng cao điểm số.
  • Thay vì luôn ngăn cản những hậu quả tiêu cực ảnh hưởng tới con thì bạn nên để những hậu quả tự nhiên xảy ra. Trẻ thường học hỏi được nhiều điều hơn khi chúng trải qua những hậu quả thực sự cho hành động của chúng.

6. Nhận biết các dấu hiệu cảnh báo

Để ngăn chặn được tình trạng bạo lực học đường thì phụ huynh và giáo viên cần sớm nhận thấy bất cứ thay đổi hoặc gián đoạn đột ngột nào trong hành vi của trẻ. Những thay đổi này có thể bao gồm rút lui khỏi gia đình và bạn bè, không còn hứng thú với các hoạt động yêu thích trước đây, khó ngủ, chán ăn,…

Những thay đổi kể trên có thể chỉ ra rằng có điều gì đó đang thực sự gây rắc rối và phiền toái cho trẻ. Nếu nhận thấy những dấu hiệu này, bạn hãy nhẹ nhàng nói chuyện với con và có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài.

Bên cạnh đó, còn một số dấu hiệu khác có thể cần quan tâm nhiều hơn:

  • Trẻ tham gia vào các hoạt động có nguy cơ chẳng hạn như sử dụng thuốc lá, rượu bia, chất kích thích hay hoạt động tình dục.
  • Trẻ có tâm trạng bất ổn, làm tổn thương động vật, phá hủy tài sản, đe dọa hoặc bắt nạt.
  • Trẻ bị ám ảnh về tự tử và cái chết, thể hiện sự quan tâm tới vũ khí hoặc bạo lực.

Bất cứ dấu hiệu nào vừa được liệt kê cũng có thể là dấu hiệu của trầm cảm, lo lắng hoặc một vấn đề sức khỏe tâm thần khác. Lúc này trẻ cần phải có sự giúp đỡ sớm. Bạn hãy đưa con đến gặp chuyên gia tư vấn tâm lý để nhận được sự hỗ trợ phù hợp.

Lời kết

Bạo lực học đường là vấn đề nhức nhối đã và đang diễn ra trong đời sống xã hội của người dân Việt Nam. Nó gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, tinh thần của nạn nhân, ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội. Chính vì vậy, các bạn học sinh cần nâng cao ý thức, cùng với đó là gia đình và nhà trường cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này.

Hiện nay, trường THPT Lê Hồng Phong cũng đang rất khắt khe và chú trọng tuyên truyền và giáo dục các em học sinh tránh xa sự việc nay. Cho đến thời điểm hiện nay, trường chúng tôi chưa tiếp nhận bất kỳ vụ bạo lực học đường nào, hy vọng trong thời gian tiếp theo các em học sinh vẫn luôn giữ được kỷ luật.

4.9/5 - (8 bình chọn)
CLOSE
CLOSE