Top 06 kỹ năng phòng chống các loại tội phạm tệ nạn học đường
Trong những năm gần đây, tệ nạn xã hội đã dần len lỏi vào môi trường học đường. Tệ nạn làm tha hóa nhân cách, suy đồi đạo đức, đồng thời khiến các em bỏ bê việc học và đánh mất tương lai của chính mình. Trước những hậu quả to lớn do tệ nạn gây ra, gia đình, nhà trường và xã hội cần phải có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Bài viết dưới dây, trường cấp 3 Lê Hồng Phong sẽ chia ra cho bạn đọc những kỹ năng phòng chống tệ nạn học đường và các vấn đề xoay quanh chúng, cùng xem ngay nhé!
Thực trạng về tệ nạn xã hội trong học đường
Tệ nạn xã hội là tên gọi chung của các hiện tượng xã hội tiêu cực để lại những hậu quả nặng nề đối với cá nhân, gia đình và xã hội. Biểu hiện đặc trưng của tệ nạn là những hành vi và suy nghĩ sai lệch, không phù hợp với chuẩn mực đạo đức và vi phạm luật pháp.
Tệ nạn xã hội có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào nhưng thường gặp ở người trẻ và thanh thiếu niên. Đây là giai đoạn cả tâm sinh lý đều có sự thay đổi đột ngột. Nếu không được gia đình và nhà trường giáo dục, quản lý đúng cách, trẻ trong độ tuổi học đường có thể sa lầy vào con đường tệ nạn.
Hiện tại, chưa có con số chính thức về tỷ lệ tệ nạn xã hội trong học đường. Tuy nhiên, một số thống kê được thực hiện trên phạm vi nhỏ đã cho thấy, tỷ lệ học sinh – sinh viên dính vào tệ nạn xã hội là không nhỏ.
- Số liệu của Cục phòng chống tệ nạn xã hội công bố vào tháng 7-2017 cho thấy, có đến 8% số người nghiện ma túy đang ở trong độ tuổi học sinh.
- Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào năm 2022 cho thấy, 10 – 15% trẻ có dấu hiệu nghiện game. Trong đó, chiếm khoảng 80% là trẻ từ 10 – 15 tuổi.
- Theo thống kê vào năm 2018 của một tổ chức Anh Quốc, khoảng 25.000 trẻ em ở Anh nghiện cờ bạc và cứ 6 em thì có 1 em đánh bài bạc ít nhất 1 lần/ tuần.
- Số liệu được công bố vào năm 2021 cho thấy, tỷ lệ gian lận trong thi cử lên đến 8%. Tuy nhiên, con số này có thể thấp hơn rất nhiều so với thực tế bởi rất nhiều trường hợp gian lận nhưng không được phát hiện.
- Theo khảo sát sơ bộ của Bộ Y tế vào năm 2017, ước tính có khoảng 87.000 người bán dâm. Trong đó hơn 50% là người chưa thành niên.
Thông qua các khảo sát, thống kê trên quy mô nhỏ, có thể thấy tỷ lệ tệ nạn xã hội trong học đường là không thấp. Trong vài năm trở lại đây, tệ nạn xã hội trong học đường ngày càng gia tăng – đặc biệt là nghiện game online, mại dâm và nghiện bài bạc. Thực trạng này chính là hồi chuông cảnh báo gia đình, nhà trường và các cơ quan chức năng cần có hành động thiết thực để ngăn chặn kịp thời những hậu quả lâu dài.
Các tệ nạn học đường phổ biến thường gặp
Trước đây, tệ nạn xã hội trong học đường chủ yếu là bạo lực và gian lận thi cử. Tuy nhiên, do sự phát triển không ngừng của xã hội, các tệ nạn bắt đầu diễn biến phức tạp hơn và len lỏi vào không gian trường học.
Dưới đây là các tệ nạn xã hội thường gặp ở lứa tuổi học đường:
1. Bạo lực học đường
Bạo lực học đường luôn là vấn nạn lớn nhất đối với ngành giáo dục. Trước đây, bạo lực được thể hiện chủ yếu qua các hành vi bắt nạt, gây tổn thương về mặt thể chất. Tuy nhiên, sự phát triển của internet đã dẫn đến nhiều hình thức bạo lực khác như bạo lực qua mạng (Cyber bullying).
Không chỉ có những hành vi ngang ngược và thô bạo, nhiều em học sinh còn sử dụng những từ ngữ nặng nề để áp bức và làm tổn thương tinh thần bạn học. Nạn nhân của bạo lực học đường vừa phải gánh chịu nỗi đau thể chất và tinh thần nặng nề. Các em sẽ khó có thể chuyên tâm cho việc học và luôn có tâm lý sợ hãi khi đến trường.
Hiện nay còn xuất hiện một dạng bạo hành mới là bạo hành lạnh. Tất cả mọi người đều im lặng và không giao tiếp với nạn nhân trong thời gian dài. Kết quả là nạn nhân sẽ bị cô lập và tẩy chay hoàn toàn. Mặc dù không có lời nói hay hành vi gây tổn thương nhưng sự im lặng sẽ khiến cho nạn nhân bị bức bối về tinh thần. Thực tế cho thấy, không ít em học sinh bị trầm cảm và khủng hoảng tâm lý do nạn bạo lực học đường.
2. Gian lận trong thi cử
Gian lận trong thi cử là tệ nạn phổ biến nhất trong học đường. Nhiều học sinh, sinh viên coi nhẹ việc gian lận và cho rằng hành vi này không thực sự là “tệ nạn”. Tuy nhiên, gian lận dù ở bất cứ môi trường nào cũng đáng bị lên án – đặc biệt là trong môi trường cần sự công bằng tuyệt đối như trường học.
Gian lận trong thi cử làm mất đi sự công bằng vốn có của việc giáo dục. Về lâu dài, các em học sinh sẽ hình thành tâm lý ỷ lại, không muốn cố gắng và nỗ lực trong học tập. Đạt kết quả học tập cao bằng cách gian lận sẽ khiến các em bị thiếu hụt kiến thức và có “lỗ hổng” về nhân cách, đạo đức. Do đó, gia đình và nhà trường cần phải có biện pháp để “chặn đứng” tệ nạn này nhằm đảm bảo các em được học tập trong một môi trường thực sự công bằng.
3. Nghiện game, internet
Trước sự phát triển không ngừng của internet và công nghệ, chất lượng cuộc sống của con người được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, đi kèm theo đó là những mặt trái như bắt nạt qua mạng, nghiện game và internet. Nghiện game online là vấn nạn lớn đối với học sinh, sinh viên và người trẻ tuổi.
Ban đầu, học sinh, sinh viên tìm đến game online chỉ để giải trí. Tuy nhiên, với sức hấp dẫn không thể cưỡng lại, các em ngày càng dành nhiều thời gian để chơi game. Khi chơi game online, não bộ sẽ tiết ra nhiều dopamine tạo ra cảm giác thư giãn, phấn khích và hứng thú. Từ đó các em sẽ càng chơi càng nghiện và cuối cùng bỏ bê việc học để có thể thỏa mãn thú chơi game.
Nghiện game online không đơn thuần là dành nhiều thời gian để chơi game. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công nhận nghiện game là rối loạn tâm thần chính thức. Trẻ bị nghiện game online sẽ có biểu hiện trầm cảm cùng với các triệu chứng tương tự như nghiện chất. Nghiện game online rất khó điều trị và tỷ lệ tái nghiện cao. Do đó, đòi hỏi gia đình và nhà trường cần phát hiện sớm để các em được thăm khám, điều trị kịp thời.
4. Tệ nạn cờ bạc
Tệ nạn cờ bạc cũng đang dần len lỏi vào trong môi trường học đường. Khi tham gia cờ bạc, các em sẽ xao nhãng việc học và không có thời gian để nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, tệ nạn cờ bạc cũng dẫn đến những tệ nạn khác như cướp giật, mại dâm,…
Đa phần học sinh, sinh viên dính vào tệ nạn cờ bạc đều có các hành vi cướp giật, trộm cắp và gian dối gia đình để có tiền đánh bạc. Nếu không ngăn chặn kịp thời, tệ nạn này sẽ khiến cho các em bị biến đổi nhân cách và suy đồi đạo đức. Nhiều em quyết định bỏ học để đắm chìm trong thú vui bài bạc và kết quả là đánh mất tương lai xán lạn phía trước.
5. Sử dụng rượu bia, chất gây nghiện
Trong những năm gần đây, tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng rượu bia và chất gây nghiện gia tăng đáng kinh ngạc. Ban đầu, các em chỉ tìm đến bia rượu và tập hút thuốc lá để thể hiện với bạn bè. Tuy nhiên, dần dần các em trở nên sa lầy và không thể thoát khỏi các thói quen thiếu lành mạnh này.
Từ thuốc lá đến bia rượu và ma túy chỉ là vấn đề thời gian. Vì vậy, gia đình và nhà trường cần phải phát hiện kịp thời những bất thường ở con trẻ. Khi dính vào chất gây nghiện, cả sức khỏe thể chất và tinh thần của các em đều tuột dốc nhanh chóng. Nghiện chất khiến các em không thể tập trung học tập, suy nghĩ méo mó và bắt đầu có các hành vi sai lệch.
Trẻ trong độ tuổi mới lớn thường có tính cách nông nổi, ấu trĩ nên chưa nhận thức sâu sắc hậu quả từ những hành vi của bản thân. Đây là lý do nhà trường và gia đình cần đẩy mạnh công tác nâng cao nhận thức cho các em về tệ nạn xã hội. Ngoài ra, cần phát hiện và ngăn chặn những hành vi lôi kéo sử dụng chất gây nghiện.
6. Quan hệ tình dục sớm và mại dâm
Giáo dục giới tính ở nước ta vẫn còn rất hạn chế do công tác triển khai lỏng lẻo và chưa nhất quán. Ngoài ra, do quan niệm tình dục là vấn đề nhạy cảm nên cha mẹ rất ít khi đề cập với con trẻ. Điều này khiến cho các em thiếu nhận thức và không hình dung được những hậu quả phải đối mặt khi quan hệ tình dục sớm.
Vừa qua, Bộ giáo dục và đào tạo đã công bố tỷ lệ trẻ quan hệ tình dục sớm. Cụ thể, tỷ lệ học sinh quan hệ tình dục trước 14 tuổi trong năm 2013 chỉ 1.48% nhưng đã tăng lên 3.51% vào năm 2019. Con số này không ngừng gia tăng và chắc chắn sẽ không dừng lại nếu không có các biện pháp ngăn chặn.
Quan hệ tình dục sớm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa, nam khoa và những bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (trong đó không thể không nhắc đến HIV/ AIDS). Bên cạnh đó, tệ nạn này cũng dẫn đến nhiều hệ lụy khác như đánh mất sự vô tư, trong sáng của lứa tuổi học trò. Một số trẻ khi lớn lên trở nên chai sạn và khó nảy sinh tình cảm với người khác do “va chạm thể chất” từ sớm.
Song song với nạn quan hệ tình dục sớm là hành vi mại dâm. Nhiều trẻ vì muốn có tiền tiêu xài đã không ngần ngại bán mình. Số tiền kiếm được giúp các em thỏa mãn nhu cầu vật chất và những thú vui phù phiếm nhưng đi kèm theo đó là vô số hệ lụy khôn lường. Mại dâm mang lại số tiền vô cùng lớn, từ đó dẫn đến tâm lý chán học và bỏ học. Nếu không có sự can thiệp kịp thời, tương lai của các em có thể khép lại hoàn toàn.
7. Tệ nạn trộm cắp
Trộm cắp là một trong những tệ nạn xã hội thường gặp ở tuổi học đường. Hành vi trộm cắp có thể xuất phát từ tâm lý ghen ghét, đố kỵ với cuộc sống đủ đầy của bạn bè đồng trang lứa. Nhiều trẻ có hành vi trộm cắp vì muốn có tiền để phục vụ cho những thú vui không lành mạnh như chơi game online, hút thuốc lá, bóng cười, sử dụng rượu bia, chất gây nghiện,…
Hành vi trộm cắp ở tuổi học đường được thể hiện với nhiều mức độ khác nhau. Ban đầu, các em có thể trộm cắp đồ dùng của bạn học, sau đó là đến tiền và những tài sản có giá trị. Không ít trường hợp các em học sinh kết bè kết phái để trấn lột tiền của bạn bè. Hành vi trộm cắp không chỉ xảy ra trong phạm vi nhà trường mà các em còn có thể trộm cắp tiền, đồ dùng có giá trị ở nhà sách, siêu thị,…
Tệ nạn trộm cắp làm ảnh hưởng đến môi trường học tập và rộng hơn là an sinh xã hội. Bên cạnh đó, những hành vi sai trái này sẽ làm méo mó nhân cách của các em. Khi trưởng thành, các em sẽ trở thành mầm mống của xã hội với tính cách phách lối, ngang tàng, coi nhẹ luật pháp và những chuẩn mực đạo đức.
Top 06 kỹ năng phòng chống các loại tội phạm tệ nạn học đường
Đối với lứa tuổi nhạy cảm này, cha mẹ cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường để hình thành cho các em những kỹ năng cần thiết sau:
1. Kỹ năng nhận biết các dấu hiệu
Mỗi tệ nạn xã hội sẽ có những dấu hiệu khác nhau, ở đây trường cấp 3 Lê Hồng Phong sẽ ví dụ một trường hợp tệ nạn học đường cụ thể đó là về bạo lực học đường.
Để cảnh cáo bọn gây rối trẻ cần học cách tạo tư thế tự tin, bản lĩnh như đứng thẳng, ngẩng cao đầu. Nhìn thẳng vào đối tượng đi gây gổ, ức hiếp, dùng câu trả lời dứt khoát mạnh mẽ, những lời ngắn gọn. Dạy trẻ lưu ý đối với nhóm chuyên gây bạo lực học đường, chúng rất thích chọc ghẹo những ai yếu đuối, khép nép và đừng bao giờ tỏ thái độ, hành vi khiêu khích, gây sự chú ý không cần thiết từ những nhóm bạn xấu”.
Nhất là dấu hiệu tiền bạo lực như nhìn đểu, trêu đùa quá khích, bị cho ra rìa, tẩy chay, ruồng bỏ, cô lập, luôn bị gây sự, bị ức hiếp, hăm dọa, mang hung khí trong người… Nếu trẻ được trang bị những kỹ năng nhận biết các dấu hiệu nguy cơ bạo lực học đường, từ đó trẻ sẽ biết cách né tránh khỏi bế tắc trong cách hành xử.
2. Kỹ năng bày tỏ chính kiến
Phải hình thành cho trẻ kỹ năng nhận biết, phân tích, đánh giá các hành vi, biểu hiện thái độ của những người xung quanh. Trẻ sẽ biết phân định đâu là đúng – sai, tốt – xấu.
Nhờ đó trẻ biết lựa chọn học hỏi hành vi tốt, phù hợp với chuẩn mực xã hội, tránh được hành vi xấu không được xã hội chấp nhận. Trong các vụ bạo lực học đường, trẻ có thể là nạn nhân và cũng có thể là thủ lĩnh, gấu nhí, nhưng cả hai đều gánh chịu tổn thương về sự phát triển tâm sinh lý, nhân cách.
Khi trẻ nhận định, phân tích, trẻ cũng biết được những tệ nạn học đường này là hành vi xấu, không được xã hội chấp nhận, thậm chí vi phạm pháp luật bị xử lý và phải cải tạo trong trường giáo dưỡng, từ đó mà lựa chọn cách ứng xử phù hợp.
3. Kỹ năng hòa nhập
Biết tham gia vào các nhóm bạn khác nhau như nhóm bạn học tập, nhóm bạn học tiếng Anh, nhóm bạn chơi thân…
Duy trì và phát triển sự thân thiện các mối quan hệ bạn bè giúp trẻ tương tác một cách tích cực với những người xung quanh. Kỹ năng này cũng hướng trẻ biết chọn bạn mà chơi, cùng bạn tìm cách né những trận ẩu đả và nhờ bạn thông tin đến người khác nếu có dấu hiệu của việc gây sự, xung đột. Tránh những người bạn “trái tính, trái nết” có nguy cơ tiềm ẩn bạo lực học đường.
4. Kỹ năng làm chủ và ứng phó
Học sinh các cấp trung học cơ sở và đầu trung học phổ thông thì hoạt động chủ đạo là thiết lập các mối quan hệ bạn bè. Các em rất coi trọng tình cảm trong tình bạn. Một chút bất hòa cũng làm cho chúng “mất ăn, mất ngủ”, thậm chí rơi vào trạng thái stress.
Thường trực có suy nghĩ bất mãn là bị bạn bè sỉ nhục thì không còn gì thể diện nên xuất hiện ý định tiêu cực. Vì thế người lớn phải gần gũi, quan tâm, chia sẻ động viên trẻ biết vượt qua, bản lĩnh hơn mà sống và học tập. Kỹ năng này giúp học sinh cân bằng tâm lý, tránh được trạng thái nổi loạn, ẩu đả gây bạo lực, tránh được sự trầm cảm – nguy cơ cao nhất dẫn đến tự tử.
5. Kỹ năng kiềm chế cảm xúc
Học sinh ở giai đoạn này thường cảm xúc của chúng chưa ổn định, dễ bị xáo trộn, dễ bị kích động dẫn đến “làm càn”, hoặc bị trầm cảm quá mức dẫn tới hành vi tiêu cực tự tổn thương, tự sát… Học sinh nếu bị rơi vào thế bị bạo lực (bị ức hiếp, tẩy chay, bị đánh đập) sẽ bế tắc, không kiểm soát được mình, dẫn tới hậu quả xấu.
Do đó, cần dạy cho trẻ các kỹ năng kiểm soát cảm xúc bằng cách biết như hít thở sâu, đếm từ 1-10, nghĩ đến một câu chuyện hài, tìm mọi cách để hạ hỏa. Cùng thảo luận về các tình huống giả định, khuyến khích trẻ tự nghĩ ra cách xử lý tình huống, nếu chưa hợp lý thì người lớn điều chỉnh, uốn nắn phù hợp. Khuyến khích các buổi diễn tập bằng lời nói và hành động. Đóng vai theo chủ đề các cảnh bạo lực, hướng dẫn thực hành, trình diễn.
6. Kỹ năng xử lý tình trạng khẩn cấp
Biết cầu cứu khi đối mặt với nguy cơ bạo lực học đường, đừng bao giờ để mình rơi vào thế bí, trở thành nạn nhân của những cuộc hành hung. Cũng đừng nghĩ rằng chúng sẽ đánh mình cảnh cáo chứ không dám quá tay.
Nếu cần thiết hãy nhẫn nhịn, lùi bước để tránh bạo lực nhưng không phải cam chịu “liều mình” chịu trận. Tìm những người đáng tin cậy gần nhất để chia sẻ những dấu hiệu tiền bạo lực. Trẻ có thể gặp giáo viên chủ nhiệm, giáo viên tổng phụ trách Đội, người phụ trách Đoàn thanh niên, chuyên viên tâm lý học đường… hoặc bất kỳ ai là người lớn hơn có khả năng cứu giúp mình và trình bày ngắn gọn, rõ ràng vấn đề mình đang gặp phải.
Tốt nhất là khi bị trêu chọc, sỉ nhục nên im lặng, coi như không có chuyện gì, đi thẳng về hướng có đông người khác. Nếu thấy nguy hại đến thân thể, trẻ có thể cầu cứu bằng cách la lớn, chạy nhanh đến những nơi an toàn như phòng bảo vệ, nhà người dân và gọi điện thoại cho người thân.
Lời kết
Tất nhiên cho dù đang ngày càng được quan tâm nhưng thực trạng về các tệ nạn xã hội trong học đường vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Để ngăn chặn hoàn toàn các tệ nạn không phải là điều dễ dàng nhưng chỉ cần thêm một người có ý thức, thêm một người cư xử văn minh hơn thì ít nhất có 1 đứa trẻ sẽ có một cuộc sống hạnh phúc, phát triển toàn diện hơn về mọi mặt.
Vì vậy các thầy cô và học sinh trong trường THPT Lê Hồng Phong nói riêng và toàn thể các bạn học sinh nói chung cần chung tay đẩy lùi và trang bị cho mình những kỹ năng phòng tránh tệ nạn học đường khi cần thiết nhé!