Top 12+ Các Cách Tạo Động Lực Cho Trẻ Ham Học Hiệu Quả Nhất
Làm cha mẹ, chẳng ai mà không muốn con cái học hành chăm chỉ, thi đâu đỗ đấy và thành công trong mọi lĩnh vực. Vì quá kỳ vọng nên không ít phụ huynh đã tạo ra một áp lực lớn trên vai trẻ. Trong khi vấn đề quan trọng rằng chúng ta phải tìm cách tạo động lực cho trẻ ham học hơn, chủ động xem việc này như trách nhiệm của bản thân chứ không phải “cắm đầu học” vì sợ bố mẹ trách, mắng.
Có rất nhiều nghiên cứu cho thấy, trẻ em cảm thấy mệt mỏi, áp lực trong học tập. Dưới đây trường Lê Hồng Phong chia sẻ với bạn đọc một số cách tạo động lực cho trẻ giúp con em yêu thích và giảm bớt áp lực trong quá trình học tập hơn.
1. Không đặt nặng điểm số
Việc đặt nặng điểm số sẽ vô tình tạo ra một đứa trẻ mắc bệnh “thành tích” trong tương lai. Điểm số cũng quan trọng nhưng không nói lên tất cả. Quan trọng là con bạn đã học được gì ở trường, trẻ đã vận dụng được gì từ những kiến thức mình tiếp thu.
Thay vì gặng hỏi con “bài kiểm tra được bao nhiêu điểm?”, bạn hãy quan tâm nhiều hơn đến con đã làm được những gì trong bài kiểm tra, suy nghĩ và cảm nhận của trẻ. Cách giúp trẻ ham học hơn là mỗi ngày bố mẹ nên dành một chút thời gian để trò chuyện với con. Đó có thể là chủ đề về những hoạt động hằng ngày ở lớp học hay những điều mà bạn cảm thấy thú vị và cần chia sẻ với trẻ.
Thông qua hành động này, bạn sẽ hiểu thêm khá nhiều điều về trẻ. Trong trường hợp con có gặp rắc rối, ba mẹ cũng sẽ kịp thời có biện pháp xử lý tốt hơn.
2. Hãy để con lựa chọn môn học mà trẻ thích
Cách giúp tạo động lựa cho trẻ ham học hỏi hơn là để con tự chọn lấy môn học mình yêu thích và hoàn thành môn đó trước. Chẳng phải bản thân người lớn chúng ta cũng tự bảo nhau “hãy làm những gì mình thấy đam mê nhất” hay sao?
Trẻ con cũng thế, với những môn học mà trẻ yêu thích, bạn sẽ chẳng tốn công ép con ngồi vào bàn học. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng đừng vội đánh giá hứng thú của trẻ xem cái nào là tốt hơn. Vì tất cả những môn học mà trẻ thích đều giúp chúng tự tin hơn, biết đâu thông qua đó bạn khám phá ra một năng khiếu đặc biệt của con thì sao?
3. Tạo không gian học tập lý tưởng cho con
Đừng nghĩ rằng việc này là không cần thiết, bởi đây cũng là cách giúp trẻ ham học hơn rất hữu ích đấy! Hãy biến góc học tập của con thành nơi lý tưởng nhất bằng cách thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh sạch sẽ; bài trí sách vở ở vị trí thuận tiện, dễ lấy.
Ngoài ra, bạn có thể sắm thêm một số vật dụng trang trí dễ thương hoặc cùng con tự tay thiết kế một thời gian biểu xinh xắn dán trên bàn học. Tất cả những hành động này tuy nhỏ bé nhưng sẽ tạo thêm niềm cảm hứng cho con.
Bên cạnh đó, bạn cũng phải đảm bảo các yếu tố như ánh sáng, không gian học tập yên tĩnh, tránh những tiếng ồn hay mọi thứ có thể cắt ngang việc học của con. Tuyệt đối không nên cho trẻ học trên giường ngủ, điều này sẽ làm con bị xao nhãng và dễ buồn ngủ hơn. Lý tưởng nhất nên để bàn học ở vị trí đủ gần nơi bạn làm việc để dễ trả lời những câu hỏi của con.
4. Đề ra các mục tiêu học tập và cùng con hoàn thành
Học hành là cả một quá trình, bạn không thể một lúc nhồi nhét vào đầu con mọi kiến thức có trong sách giáo khoa ngay được. Đặc biệt là cận kề những ngày thi cử quan trọng, trẻ rất dễ bị áp lực và đâm ra chán nản dễ buông xuôi hơn.
Lúc này, bố mẹ chính là nguồn động viên để con có hứng thú quay lại việc học. Cách giúp trẻ ham học hơn là bạn có thể đề ra những mục tiêu ngắn, trung và dài hạn để dễ theo dõi tiến độ. Ở mỗi giai đoạn như vậy, bạn sẽ đặt ra kế hoạch ôn bài vở phù hợp, phân chia lịch trình trong ngày thành nhiều giờ và xác định những kiến thức cần tập trung học trong khoảng thời gian đó. Điều quan trọng là phải đảm bảo trẻ có thời gian nghỉ ngơi hợp lý.
Phương pháp nghỉ giải lao hợp lý là 50/10, theo đó bạn sẽ để trẻ học thật tập trung trong liên tục trong vòng 50 phút và tạm nghỉ 10 phút khi đã hoàn thành khoảng thời gian trên.
5. Làm gương cho con
Cách giúp tạo động lực cho trẻ ham học hơn không gì tốt hơn việc bạn là tấm gương cho trẻ. Nếu bố mẹ là người say mê tìm tòi nghiên cứu và làm việc nghiêm túc thì ít nhiều trẻ sẽ học hỏi được điều này.
Mỗi tối khi con học bài, thay vì chỉ ngồi kè kè theo dõi con, bạn có thể tạo cho mình thói quen đọc sách hoặc làm những công việc văn phòng mà mình còn dang dở. Một khi thấy được hình ảnh này, trẻ sẽ dần hình thành thói quen tự học mà không cần phải nhắc nhở.
Với trẻ nhỏ, bạn hãy kể cho con nghe những câu chuyện về các tấm gương hiếu học ở Việt Nam cũng như thế giới. Điều này cũng rất có ích trong việc khơi dậy tinh thần tự học của con.
6. Khuyến khích trẻ đưa ra quan điểm, câu hỏi
Như thế nào là một đứa trẻ ngoan? Là lúc nào điểm số cũng đứng đầu lớp học và luôn vâng lời? Nhưng chỉ biết vâng lời và đạt điểm số cao thôi thì chưa đủ để đứa trẻ phát triển tốt. Hãy cho phép chúng được nói, được thể hiện cảm xúc, đồng thời khuyến khích trẻ hỏi nhiều hơn.
Liệu các cha mẹ muốn trẻ lớn lên chỉ có kiến thức suông, hay là một đứa trẻ có đủ trí tuệ, dám nói dám làm? Chính vì vậy, nếu hiện tại đứa con của bạn chưa học được cách đặt câu hỏi, hãy truyền cảm hứng để trẻ làm điều đó thường xuyên.
7. Làm đúng việc ở đúng thời điểm
Quá trình phát triển, khả năng học tập của trẻ sẽ diễn ra liên tục. Trước 13 tuổi, tư duy hình ảnh, tư duy trực quan và khả năng bắt chước của trẻ tương đối mạnh. Ở giai đoạn này, cho trẻ học ngôn ngữ là phù hợp nhất. Chẳng hạn, việc đọc những bài thơ ở trường tiểu học sẽ dễ hơn thời điểm học đại học.
Ở trường trung học, khả năng tư duy trừu tượng và lý luận logic đã phát triển, và việc học toán và các môn học khác sẽ dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, hiện tại, khá nhiều phụ huynh đang đảo lộn trật tự, bắt trẻ tập trung học toán ngay từ bậc tiểu học, trong khi ngoại ngữ chưa thực chú trọng cho con trong thời điểm này. Và rồi, cha mẹ đã bỏ lỡ cơ hội tốt nhất cho con học tập.
8. Giúp con giải quyết các vấn đề cụ thể
Đối với trẻ nhỏ, chỉ khuyến khích thôi sẽ chưa đủ. Một cách tạo động lực học cho trẻ đó là khi con bạn gặp rắc rối, nếu bạn chỉ nói “Mẹ tin vào con”, hay “Con có thể làm được”, điều đó không có ý nghĩa gì nhiều. Mà thay vào đó, hãy giúp con bạn giải quyết một số vấn đề cụ thể.
Ví dụ, một số trẻ gặp khó khăn trong việc thực hiện các phép tính toán khi mới vào tiểu học. Cha mẹ có thể học hỏi và chỉ dẫn lại cho con. Cha mẹ cũng có thể sử dụng giới hạn thời gian trong việc học của con, ví dụ làm toán, chép chính tả để cải thiện việc học của trẻ.
Khi khối lượng công việc của con khá nhiều, hãy chia nhỏ các việc con cần làm, giúp con có cảm giác đơn giản và dễ dàng hơn. Đó cũng là cách hiệu quả để giáo viên và phụ huynh giúp con cái họ vượt qua nỗi sợ hãi, tăng cường sự tự tin và hứng thú.
9. Thường xuyên khen ngợi
Nhiều bố mẹ vẫn nghĩ rằng chỉ khi con đạt được những thành tựu lớn trong học tập thì mới dành cho con những lời khen. Còn không thì trẻ sẽ dễ có tâm lý chủ quan, tự tin thái quá vào bản thân nếu bố mẹ khen ngợi thường xuyên.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy suy nghĩ này hoàn toàn sai lầm. Việc khen ngợi con khi làm đúng hoặc tiến bộ hơn là cách để bố mẹ bày tỏ sự ủng hộ đối với thành tích vừa đạt được.
Bên cạnh đó, con nhận được lời khen từ bố mẹ sẽ cảm thấy đây là việc làm đúng đắn và cần phải phát triển hơn nữa. Đây cũng là một nguyên tắc tạo cho con động lực học tập chứ không phải là một hành động sai lầm.
10. Đừng quên sự trợ giúp của giáo viên
Bạn nên hiểu một điều, những kiến thức ngày nay mà con được học so với những gì mình biết có thể đã khác xa nhau. Vì thế, đôi khi bạn sẽ gặp những tình huống éo le là giảng mãi con vẫn không hiểu mình đang nói gì.
Do vậy, đừng ngần ngại nhờ đến sự trợ giúp của thầy cô giáo ở trường để củng cố kiến thức cho con bạn nhé! Bởi lẽ, họ là những người trực tiếp giảng dạy cho con bạn hằng ngày nên sẽ có cách giải đáp những thắc mắc của trẻ hợp lý. Hơn nữa có thầy cô quan tâm và để cũng là cách tạo động lực cho trẻ ham học hơn.
Trong trường hợp phát hiện thấy con học kém đột ngột, bạn cũng đừng ngần ngại mà hãy liên hệ với giáo viên phụ trách. Cùng nhau, cả hai có thể tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra chiến lược để giúp con cải thiện điểm số và yêu thích môn học đấy hơn.
11. Tìm hiểu cách học tập của con
Cách tạo động lực cho trẻ ham học hơn là đừng bao giờ bắt ép con phải làm hoặc nghe theo những mong muốn của riêng mình. Nên nhớ rằng, mỗi người chúng ta có cách học và tiếp thu hoàn toàn khác nhau. Vì thế, bạn tuyệt đối không nên áp đặt phương pháp học tập của mình với trẻ. Cách dạy con học tốt nhất là hãy quan sát và tìm hiểu xem con bạn tiếp thu bài vở như thế nào, đó có thể là:
- Học bằng thị giác: ghi nhớ thông tin qua hình ảnh, biểu đồ, video…
- Học bằng thính giác: lắng nghe bài giảng, đoạn ghi âm và mọi sự diễn đạt bằng lời nói
- Học bằng xúc giác: tiếp cận vấn đề qua đôi tay
- Học theo nhóm hay học cá nhân.
Chỉ khi biết được cách học của con, bạn mới có thể tìm ra biện pháp tốt nhất để phát huy khả năng và cải thiện kết quả học tập của trẻ.
12. Không chê trách con khi kết quả chưa thực sự tốt
Con cái là niềm tự hào của bố mẹ. Do đó, không ít các bậc phụ huynh đặt rất nhiều kỳ vọng lớn vào con trẻ. Chính vì thế, nếu trẻ không đáp ứng được mong muốn của bố mẹ thì thường so sánh với những đứa trẻ khác và buông lời chê trách con. Trong suy nghĩ của các bậc phụ huynh cho rằng nếu nói như thế con sẽ nhìn nhận đúng về trình độ của bản thân và lấy tấm gương những người giỏi để noi theo.
Thế nhưng đây là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Thực tế cho thấy, nếu con bị chính bố mẹ chê trách thì sẽ thấy mặc cảm bản thân, luôn có suy nghĩ rằng mình không có ích. Sau này, con sẽ luôn sống trong tình trạng thiếu tự tin, thiếu quyết đoán trong mọi việc mình làm.
Tuy vây, chính bố mẹ cũng không biết rằng việc học tập từ những sai lầm của bản thân sẽ giúp con tiến bộ nhanh chóng hơn. Do vậy, nếu con chưa đạt được kỳ vọng như ban đầu, bố mẹ hãy giúp con tìm ra điểm sai của mình và sửa chữa nó. Hãy ngừng việc trách móc con để không làm ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.
Lời kết
Trên đây là một số gợi ý của trường Lê Hồng Phong cho cha mẹ cách tạo động lực cho trẻ trong việc học tập. Việc này là rất quan trọng bởi trẻ có hứng thú học tập thì mới chủ động học, thích học và đạt được kết quả cao. Chúc cha mẹ và các con thành công!